Ngày 29/06/2023, tại trường Cao Đẳng Du Lịch Sài Gòn, đã diễn ra buổi giao lưu chia sẻ chuyên đề “Câu chuyện ẩm thực bánh Việt Nam” do Hội Đầu Bếp Chuyên Nghiệp Saigon và Vietnam Pastry Alliance tổ chức. Sự kiện này đã thu hút sự tham dự của các nghệ nhân ẩm thực, đầu bếp chuyên nghiệp, sinh viên và những người yêu thích bánh Việt Nam.
Trong buổi giao lưu chia sẻ, một số loại bánh Việt Nam được tập trung trình bày. Một trong số đó là bánh giò, một loại bánh dân gian có nguồn gốc từ miền Bắc. Bánh giò có hương vị thơm ngon, lớp vỏ mềm tan nhẹ trong miệng, phù hợp cho cả người lớn và trẻ em. Thành phần chính của bánh giò là bột gạo tẻ, thịt, nấm mèo và các thành phần dinh dưỡng khác. Ban đầu, bánh giò được chế biến để mang đi làm đồ ăn nhẹ, nhưng ngày nay nó có thể được ăn sáng hoặc ăn trưa để tiện lợi, đặc biệt trong những ngày mưa lạnh.
Bánh chuối hấp cũng là một món ăn vặt phổ biến ở miền Nam. Bánh chuối ngon dẻo được phủ lớp nước cốt dừa béo, có một chút vị mặn. Món ăn này không chỉ ngọt mà còn hòa quyện với đậu phộng rang nghiền mịn và hạt vừng thơm, tạo nên một hương vị đặc biệt.
Buổi giao lưu chia sẻ diễn ra sôi nổi với nhiều tranh luận khác nhau. Với 64 tỉnh thành và 54 dân tộc, khẩu vị ẩm thực ở Việt Nam có sự đa dạng. Do đó, khi du lịch khắp cả nước, bánh giò đã được biến tấu và thay đổi cách làm, cách ăn cho phù hợp với từng vùng miền. Ví dụ, khi bánh giò du lịch đến miền Nam,có thể thêm trứng cút và có phiên bản chay thay thế thịt bằng các loại hạt phù hợp cho người ăn chay. Ngoài ra, cách ăn mỗi vùng cũng khác nhau, có người thích ăn dai, người thích ăn tan trong miệng, người chấm tương ớt, người chấm muối tiêu, và còn những người không chấm gì nhưng lại nêm nhân cho vừa ăn. Mỗi người sẽ có một chiếc bánh giò ngon theo sở thích riêng, nhưng theo Nghệ Nhân Ẩm Thực Cô Bùi Thị Sương, để đánh giá một món ăn ngon, chúng ta cần tìm hiểu về nguồn gốc, cách làm và sử dụng khẩu vị chung của vùng miền, không chỉ dựa trên khẩu vị cá nhân.
Cách làm bánh giò cũng tuỳ thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng. Theo Nghệ Nhân Ẩm Thực Nguyễn Thị Phiên, nước dùng để lấy trùng bột gạo thường là nước hầm xương, nhưng hiện nay nhiều người sử dụng nước lọc để bảo quản lâu hơn. Mặc dù không hoàn hảo nhưng nước lọc vẫn mang lại hương vị thơm ngon và có thể sử dụng trong nhiều ngày khi hấp bánh.
Mục tiêu của buổi giao lưu chia sẻ là để thấy bánh Việt xuất hiện ở khắp mọi nơi trên cả nước, kể cả quốc tế và cho người Việt xa xứ, từ mọi thế hệ có thể thưởng thức những chiếc bánh Việt được làm bởi chính tay của các đầu bếp, đặc biệt là thế hệ đầu bếp trẻ. Theo Nghệ Nhân Ẩm Thực Lê Thị Kiều Oanh, các em trẻ là tương lai của ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, với cách làm truyền thống, việc làm những chiếc bánh Việt ngon thường mất rất nhiều thời gian và gặp khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, đặc biệt là đối với những người ở nước ngoài tìm mua gạo tẻ.
Qua bàn tay khéo léo và nhiệt tình chia sẻ của đầu bếp Võ Huyền Nga, đã có thể tạo ra những chiếc bánh giò và bánh chuối hấp thơm ngon trong thời gian ngắn. Cô Huyền Nga đã sử dụng bột trộn sẵn chuyên dùng làm bánh giò và bánh chuối hấp của Công Ty Bột MIKKO Hương Xưa, đặc biệt công ty MIKKO cung cấp nhiều loại bột cho từng loại bánh Việt khác nhau như bánh bò, bánh xèo và trên mỗi bao bì cũng có hướng dẫn cách làm, mang đến sự tiện lợi cho mọi gia đình và cộng đồng người Việt ở xa quê.
Chương trình đã kết thúc thành công với sự quan tâm, yêu thích và những lời khen ngợi về hương vị tuyệt vời của các bánh từ khách mời tham dự. Câu chuyện ẩm thực bánh Việt của Vietnam Pastry Alliance mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống qua nhiều thế hệ. Tham gia chương trình, tôi cảm thấy chúng ta gần nhau hơn trong cuộc sống hiện đại, nơi tập hợp những trái tim yêu bánh. Bởi vì dù có những cách làm khác nhau, mỗi món ăn vẫn mang trong mình một chút linh hồn của người làm và văn hóa của dân tộc Việt Nam.